Dưa bở có tác dụng tán kết tiêu ứ, thanh phế, nhuận tràng

Kết quả: 5.0/5 - (1 phiếu)

Dưa bở, Dưa nứt, Dưa hồng, Dưa gang - Cucumis melo L., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae. 

Mô tả cây Dưa bở :

Cây thảo hằng năm có thân mọc bò, phủ lông ngắn; tua cuốn đơn.
Lá lớn, hình tim ở gốc, gần hình tròn hoặc hình thận, có 3 góc hay 3-7 thuỳ thường nhỏ, tròn, tù, có răng, hai mặt lá có lông mềm, trên mặt dưới cũng có lông, cuống lá có lông ngắn cứng.
Hoa màu vàng; hoa đực xếp thành bó, hoa cái mọc riêng lẻ.
Quả đa dạng, hình dáng và màu sắc khác nhau tuỳ theo từng thứ, phần nhiều có vỏ vàng sọc xanh, nhẵn bóng hoặc có lông tơ mềm; thịt màu vàng ngà, gồm chất bột mịn, bở, mềm,  mùi thơm; ruột quả có nước dịch màu vàng, vị ngọt mát; màng hạt màu trắng. 
Hoa quả tháng 7-8. 
Bộ  phận  dùng: Hạt  - Semen Melo, thường  gọi  là Điềm qua tử.
Quả dưa cũng thường được sử dụng. 

Nơi sống và  thu hái cây Dưa bở :

Dưa bở được  trồng khắp các vùng nhiệt đới và ôn  đới.
Ở nước  ta, nhân  dân trồng  dưa  bở ở các bãi cát để lấy quả  ăn. Có những thứ khác nhau tron  đó có dưa Gang  (var.  conomon (Thunb.) Mak.) cũng được trồng. 
Thành  phần  hoá  học: Người  ta  đã  phân  tích  trong  quả  dưa  có  các thành phần sau: Nước 95%, protid 0,60%, lipid 0,11%; glucid 3,72%; cellulose 0,33%,  tro  0,1%,  đường  1,05-6%  và  các  vitamin  A  (25-30000  đơn  vị),  B (0,03mg), C (1,5-2mg); các chất khoáng (P: 30mg, Ca: 20mg, Fe: 0,4mg). Hạt chứa globulin, glutein, 
đường galactose và nhiều chất béo. 
Tính vị, tác dụng: Hạt Dưa có vị ngọt, tính hàn; có tác dụng tán kết tiêu ứ, thanh phế, nhuận tràng. Quả Dưa có vị ngọt, tính trơn lạnh, hơi độc; có tác dụng giải khát, trừ phiền nhiệt, thông khí, lợi tiểu tiện, phòng tránh nắng mùa hè. Cuống Dưa có vị đắng, tính lạnh, có độc; có tác dụng gây nôn và thông đại tiện. 

Công dụng, chỉ định và phối hợp:

Dưa bở lúc còn non và Dưa gang đều dùng làm rau ăn sống như Dưa chuột hoặc dùng nấu canh, muối dưa, ngâm giấm; quả dưa bở chín dùng ăn với đường để tráng miệng.
Hạt dưa dùng chữa kết tụ sinh máu mủ ở trường vị, ho khan, viêm ruột thừa, đại tiện táo bón; ăn 10g, ngày 2 lần.
Quả dưa về giá trị dinh dưỡng thì không cao, dùng làm rau ăn thì mát, gây ăn ngon miệng, nhuận tràng, lợi tiểu.
Thường được chỉ dẫn dùng khi bệnh lao chứng ít nước tiểu, thống phong, thấp khớp, mất ngủ, táo bón, trĩ, sỏi niệu đạo và giữ da mặt.
Những người bị bệnh đái đường, viêm ruột không nên dùng.
Có thể ăn quả tươi đầu bữa ăn, có thêm muối và hạt tiêu lại làm cho dễ tiêu hoá và bớt nhuận tràng. Dùng ngoài lấy thịt quả già đắp lên các vết bỏng nhẹ, đau mắt đỏ và chỗ viêm tấy. 
Để làm thuốc rửa mặt do da bị khô, dùng dịch tươi của quả pha với nước cất và dịch lá bạc hà để rửa mặt vào buổi tối.
Cuống dưa chữa sốt rét phát cuồng, sốt  rét cơn, dùng 4-8g sắc uống thì mửa ra đờm, còn dùng chữa đại tiện bí, lấy 7 cuống dưa tán nhỏ, bọc bông nhét vào hậu môn. 
Nhiều bộ phận khác cũng được dùng. Hoa dùng chữa đau tim và ho nấc, sắc uống với liều 8g. 
Lá có tác dụng làm tan máu ứ, chữa bị thương, sai khớp, gãy xương, dùng 20g tán nhỏ uống với rượu hay sắc uống. Tua dưa dùng chữa con gái mất kinh, phối hợp với Sử quân tử và Cam thảo mỗi vị 20g tán nhỏ, uống mỗi lần 8g với rượu.
 
Dưa bở có tác dụng tán kết tiêu ứ, thanh phế, nhuận tràng