Gấc có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu
Gấc - Momordica cochinchinensis (Lour.) Spreng., thuộc họ Bầu bí - Cucurbitaceae.
Mô tả cây gấc:
- Cây sống nhiều năm, leo cao nhờ tua cuốn ở nách lá.
- Lá mọc so le, phiến xẻ 3-5 thuỳ sâu.
- Hoa mọc riêng rẽ ở nách lá. Hoa đực có lá bắc to, tràng hoa màu vàng.
- Hoa cái có lá bắc nhỏ.
- Quả to, có nhiều gai, khi chín có màu gạch đến đỏ thẫm; hạt dẹt cứng, màu đen.
- Người ta còn dựa vào độ sai của quả (nhiều hay ít) kích thước của quả (to hay nhỏ) gai quả (mau hay thưa) màu sắc của ruột quả (đỏ hay vàng gạch), đầu béo (ít hay nhiều), số lượng hạt (nhiều hay ít) để chia ra Gấc tẻ (hay gấc Giun) và Gấc nếp (hay Gấc gạch).
- Mùa hoa tháng 6-8, mùa quả tháng 8-11.
- Bộ phận dùng: Hạt - Semen Momordicae, thường gọi là Mộc miết tử.
- Dầu Gấc ép từ màng đỏ bao xung quanh hạt đã phơi hay sấy khô cũng thường được dùng.
Gấc có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu
Nơi sống và thu hái cây gấc:
- Cây của vùng Ấn Độ - Malaixia, thường được trồng nhiều để lấy quả đồxôi. Cây ưa đất tơi xốp, cao ráo, nhiều mùn, ẩm mát. Trồng bằng hạt hoặc bằngđoạn dây bánh tẻ vào tháng 2-3 âm lịch. Thu hoạch quả vào tháng 9-12. Bóc lấy lớp màng hạt để chế dầu, còn hạt đem phơi hay sấy khô. Rễ có thể thu hái quanh năm.
- Thành phần hoá học: Nhân hạt Gấc có khoảng 6% nước, 8,9% chất vô cơ 55,3% acid béo 16,5% protein, 2,9% đường. 1,8% tanin, 2,8% cellulose và một số enzym. Hạt gấc chứa acid momordic, gypsogenin, acid oleanolic, acid - elacostearic, còn có acid amin, alcol. Dầu gấc chứa acid oleic 44,4%, acid linoleic 14,7%, acid stearic 7,89%, acid palmatic 33,8%. Màng hạt Gấc chứa một chất dầu màu đỏ mà thành phần chủ yếu là -caroten và lycopen là những tiền sinh tố A khi vào cơ thể sẽ biến thành vitamin A, lượng -caroten của Gấc cao gấp đôi của Cà rốt. Thân củ chứa chondrillasterol, cucurbitadienol, 1 glycoprotein và 2 glycosid có tác dụng hạ huyết áp. Rễ chứa momordin một saponin triterpenoid; các chiết xuất cồn có sterol, bessisterol tương đương với spinasterol.
- Tính vị, tác dụng: Hạt gấc có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm, có độc, có tác dụng tiêu tích lợi trường, tiêu thũng, sinh cơ; dùng ngoài có tác dụng tiêu sưng. Rễ Gấc có vị hơi đắng, mùi thơm, tính mát, có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu. Dầu Gấc có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, làm sáng mắt.
Công dụng, chỉ định và phối hợp với gấc:
- Ta thường dùng cùi đỏ của Gấc trộn lẫn với gạo nếp đồ thành xôi Gấc, đó là một món ăn cổ truyền rất bổ, rất ngon.
- Dầu Gấc dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể (cho trẻ em và phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú), chữa bệnh khô mắt, dùng bôi lên các vết thương, vết loét, vết bỏng và các ổ loét dãn tĩnh mạch đỡ được mùi hôi, chóng lên da non và liền sẹo. Còn dùng chữa các bệnh viêm hậu môn và trực tràng có loét, cao huyết áp, rối loạn thần kinh.
- Nhân hạt Gấc thường được dùng trị mụn nhọt sưng tấy, tràng nhạc, lở loét, sưng vú, tắc tia sữa, chấn thương ứ huyết. Rễ Gấc thường được dùng để chữa tê thấp, đau nhức gân xương sưng chân tay, ngủ hay giật tay chân và đau lưng.
- Cách dùng: Dầu gấc dùng uống mỗi ngày 10-20 giọt chia làm 2 lần. Có thể phối hợp với bột than hạt Dành dành làm thuốc chữa các loại bỏng (có thể chế thành mỡ dầu Gấc). Hạt dùng mài với nước, với giấm hoặc giã nát trộn với rượu hoặc giấm để bôi. Rễ Gấc sao vàng tán nhỏ, sắc hoặc ngâm rượu uống; ngày dùng 6-12g dùng riêng hoặc phối hợp với Dây đau xương, rễ Bưởi bung, củ Cốt khí, Dây chìa vôi tía mỗi vị 20g thái nhỏ, sao vàng, sắc nước uống hàng ngày, mỗi ngày 1 thang chia uống 3 lần. Hoặc dùng rễ Gấc 12-20g phối hợp với Dây đau xương, rễ Bưởi bung, rễ Ngưu tất, mỗi vị 12g cùng sắc uống.
Tham khảo thêm:
|
Gấc có tác dụng trừ thấp nhiệt, hoạt huyết, lợi tiểu
Các loại tin khác:
- Địa chỉ mua bán câu kỷ tử tại tphcm
- Thu hải đường không cánh trị viêm nhánh khí quản mạn tính, ho do phổi nóng
- Thu hải đường Handel trị hầu họng sưng đau, thực tích, đòn ngã tổn thương
- Thục quỳ vàng trị đại tiện bị kết, tiểu tiện không lợi, thủy thũng
- Thục quỳ trị đại tiểu tiện không thông suốt, kinh nguyệt không đều, bạch đới